Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến nhiều lĩnh vực kinh tế gặp khó khăn, thế nhưng ngay khi TP Hồ Chí Minh vừa nới lỏng giãn cách xã hội, thị trường bất động sản đã "nóng" trở lại khi lượng người quan tâm đến thị trường này tăng mạnh. Nguồn cung hạn chế, doanh nghiệp đang gặp khó cũng như xu hướng đầu tư có sự chuyển đổi đã đẩy giá nhà đất tăng mạnh.
Giá nhà đất tăng bất chấp dịch bệnh
Chị Lê Thị Hà, ngụ ở phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết, chị đang tìm mua một căn nhà để ở, nhưng sau một tuần đi khảo sát, chị nhận thấy giá nhà đã tăng mạnh bất chấp khó khăn của dịch bệnh. “Hồi đầu năm, tôi đi xem căn nhà ở đường Nguyễn Duy Trinh thuộc phường Phú Hữu có giá 80 triệu đồng/m2. Lúc đó, do không đủ tiền mua nên tôi chần chừ, giờ quay lại chính căn nhà đó thì chủ nhà nói phải 85 triệu đồng/m2 mới bán. Ai nói dịch bệnh khó khăn nên nhà giảm giá, chứ tôi đi chỗ nào cũng thấy tăng”, chị Hà nói.
Tương tự, anh Lê Thanh Hiếu, ngụ quận Tân Bình cho biết, anh vừa ký hợp đồng đặt cọc mua một căn hộ ở quận Tân Bình có diện tích 80m2 với mức giá gần 65 triệu đồng/m2. So với các căn hộ trước kia anh đầu tư cùng diện tích đã tăng lên khoảng 5 triệu đồng/m2. “Nếu trước kia, cũng căn hộ có diện tích như trên, tôi chỉ mua tầm 50 triệu đồng/m2 nhưng nay giá đầu tư đã tăng thêm gần chục triệu đồng/m2. Nguyên nhân tăng giá do nguồn cung dự án căn hộ mới ít, lượng khách hàng đặt chỗ nhiều nên chủ đầu tư cũng "mượn cớ" để tăng giá. Tuy nhiên, bây giờ muốn kiếm dự án mới cũng khó nên tôi đành chấp nhận mua mức giá mới dù có tăng”, anh Hiếu nói.
Theo các chuyên gia bất động sản, nguyên nhân khiến giá nhà đất tiếp tục tăng trong đại dịch COVID-19 là nguồn cung khan hiếm, nhu cầu đầu tư vào bất động sản lớn. Cụ thể, theo báo cáo Thị Trường Bất Động Sản TP Hồ Chí Minh quý 3/2021 của Savills Việt Nam, nguồn cung sơ cấp với chung cư chỉ đạt khoảng 3.000 căn, mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, giảm 70% so với năm trước. Tỷ lệ hấp thụ căn hộ trong quý 3 cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua, với tổng lượng giao dịch toàn TP Hồ Chí Minh chỉ hơn 400 căn, giảm 94% so với năm 2020. Đáng nói, do nguồn cung căn hộ hạn chế đã đẩy giá bán căn hộ trên thị trường thứ cấp tăng vọt. Trong quý 3/2021, giá căn hộ thứ cấp tăng lên đến 10% tại 11 quận, huyện; trong đó, huyện Nhà Bè có mức tăng giá bán thứ cấp cao nhất, lên tới 12%.
Tương tự, đại diện CBRE Việt Nam cho biết, quý 3/2021, chỉ có 2 dự án thuộc phân khúc cao cấp thực hiện mở bán qua kênh bán hàng trực tuyến với 1.600 căn hộ, chỉ bằng 40% so với quý trước. Tỷ lệ bán của hai dự án chào bán mới trong quý 3 vẫn rất khả quan, đạt 82%. Giá bán trung bình trên thị trường sơ cấp tăng 17% so với quý 3/2020.
Lý giải nguyên nhân giá nhà đất không giảm dù dịch bệnh, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực khác đang có xu hướng đổ vào bất động sản cũng tạo áp lực tăng giá. Dù kinh tế khó khăn do dịch COVID-19 nhưng nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao. Bởi càng trong dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng để ở trong an toàn. Chính vì vậy, từ đầu năm 2021, dòng tiền đổ vào bất động sản tăng nhanh khiến nhiều nơi còn xảy ra tình trạng "sốt" đất.
Thị trường sôi động trở lại
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Vietnam cho biết: “Theo quan sát, chúng tôi thấy rằng lượng người có tiền vẫn có, vẫn đi tìm bất động sản phù hợp. Những người mới đầu tư, hay sợ lỡ mất cơ hội, họ vẫn tin tưởng vào tương lai nên vẫn xuống tiền mua. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nguồn cung bị giảm khi trong một quý mà chỉ có 3.000-4.000 căn hộ được tung ra; cùng với đó, các quy định về phân lô bán nền cũng được siết lại nên nguồn cung đất nền giảm. Trong khi đó, tư duy gắn liền với đất nên nhu cầu về đất nền vẫn rất cao, điều này đang khiến giá đất nền tăng mạnh dù ảnh hưởng của dịch bệnh”.
"Chúng ta cần khẳng định kinh tế đi lên hay đi xuống, lượng tiền vẫn thế, thậm chí sẽ còn tăng lên. Tiền còn rất nhiều, chỉ đi từ túi người này sang túi người khác. Với diễn biến của thị trường chứng khoán và bất động sản thời gian qua, câu nói tiền trong dân còn rất nhiều là chính xác. Chứng khoán vẫn tăng lên nhiều ở nhiều nhóm và đi vào các doanh nghiệp làm ăn tốt. Về nguyên lý, tiền phải có chỗ đi, dịch chuyển đâu đó, nó vào chứng khoán không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Ngoài chứng khoán, bất động sản cũng là kênh tiền đi vào khi sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Dòng tiền tới đây sẽ hiện thực hoá khoản lãi từ thị trường chứng khoán sang bất động sản", chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng Giám đốc Tập đoàn bất động sản Thắng Lợi cho biết, qua nghiên cứu trên 1.500 khách hàng giao dịch gần đây cho thấy, 62% mua để đầu tư; 15% đang phân vân, còn lại mua để ở. Theo đó, nhóm ở hay đầu tư đang phân vân là vấn đề mới xuất hiện. Trong nhóm khách hàng mua để ở, có đến 51% người có kế hoạch ở ngay, 49% người muốn thử nghiệm ở trước vài ngày trong tuần sau những ngày ở thành phố làm việc.
"Nguồn gốc khách hàng từ TP Hồ Chí Minh giảm so với năm 2020 nhưng hiện đã xuất hiện khách hàng ở địa phương khác đến. Về độ tuổi, nhóm từ 31 đến 45 tuổi chiếm 51% có sự dịch chuyển đáng kể khi trước đây đa phần có độ tuổi trên 45 tuổi mua để tích lũy. Trước đây, khách hàng muốn mua bất động sản ở gần trung tâm tiện cho việc đi lại nhưng giờ này họ chấp nhận đi xa hơn trên cơ sở liên kết vùng. Vì vậy, giá nhà đất vùng ven cũng đang tăng giá hơn so với trước. Hiện, người dân cũng đang có xu hướng chuyển từ nhà cao tầng xuống ở nhà thấp tầng nên các căn hộ, đất nền thường có giá cao hơn so với trước", ông Nguyễn Thanh Quyền nói.
Còn theo ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, từ tháng 6 đến tháng 10/2021, hơn 70% sàn giao dịch bất động sản gặp khó khăn, 30% sàn giao dịch hoạt động với công suất khoảng 50%; thị trường bị tổn thương và người mua sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, Thị Trường Bất Động Sản đã khôi phục với nhu cầu mua gia tăngg. Các doanh nghiệp bất động sản cũng đã thích nghi và sẵn sàng tổ chức hoạt động bán hàng. Nhiều nơi bắt đầu mở bán với những giao dịch khả quan và lượng khách tìm mua căn hộ cũng đang gia tăng. Đa số khách hàng có nhu cầu tìm hiểu các căn hộ tại vùng ven có tính liên kết vùng để đầu tư trong thời gian này.
"Hiện nay, các chủ đầu tư lớn, uy tín, có sản phẩm tốt nhận được nhiều niềm tin của khách hàng chọn mua. Các đơn vị cũng đưa ra các chương trình thanh toán thuận lợi, hỗ trợ lãi suất, thậm chí có chủ đầu tư còn đưa ra chính sách cho người mua nhận nhà ở trước rồi tiếp tục thanh toán sau nên Thị Trường Bất Động Sản cũng đang "nóng" dần lên", ông Phạm Lâm nói.
Bài 2: Đòn bẩy tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi
Từ năm 2020 đến nay, các dự án chung cư thương mại mới được xây dựng tại Hà Nội, TPHCM đều có giá thấp nhất...
Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển đổi mô hình hoạt động từ truyền...
Bộ Xây dựng cho biết tính đến cuối tháng 6-2021, tổng nợ vay đầu tư, kinh doanh bất động sản trên cả nước đạt...
Mọi người dùng bữa trong các dịp lễ hội, họ đều chú ý đến nguyên tắc sum họp, vì vậy điều cấm kỵ lớn nhất...
Theo các chuyên gia, thị trường trong năm 2019 gặp khó khăn về nguồn cung mới nhưng cũng là điểm lợi để thị trường...
Làm kinh doanh, ai cũng mong gặp được may mắn, tài lộc. Vậy các gia đình cần bài trí những vật phẩm nào để vận may...